Thông thường, tâm lý chung của khách hàng là muốn gửi gắm chiếc xe thân yêu tại những cửa hàng lớn với niềm tin sẽ được phục vụ một cách chu đáo nhất. Các trung tâm lớn lấy được lòng khách hàng nhờ thiết bị máy móc hiện đại, bảng giá niêm yết đàng hoàng và chế độ bảo hành trong thời gian nhất định. Thế nhưng, nhiều người không ngờ rằng mình vẫn bị mất tiền oan uổng.
Mỗi lần cần đem xe máy đi bảo dưỡng, nhiều khách hàng lại đau đầu vì không biết nên đến trung tâm hay cửa hàng để tránh bị “chặt chém” hoặc thay đồ "rởm".
Trung tâm lớn: nguy cơ bị “hớ” to
Đầu năm 2010, chị Lê Thị Linh (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) mang chiếc xe Honda Wave Alpha đi bảo dưỡng định kỳ tại một trung tâm ở Hà Nội. Do là nữ giới, không am hiểu nhiều về máy móc, lại tin tưởng đây là trung tâm dịch vụ chính hãng nên chị yên tâm giao xe cho nhóm nhân viên và ngồi chờ ở quán cà phê kế bên.
Tuy nhiên, đến khi nhận xe thì chị mới “tá hỏa” khi hóa đơn lên đến hơn 1 triệu đồng kèm theo một danh sách dài các phụ tùng đã được thay mới. Dù biết bị “chém đẹp” nhưng chị cũng đành móc ví trả tiền và tự hứa sẽ “cạch mặt” trung tâm này.
Trao đổi với các phóng viên, chị Linh bức xúc cho biết: “Trước khi đi bảo dưỡng, xe vẫn chạy bình thường, chỉ có hộp xích hơi kêu. Khi đến trung tâm, tôi cũng chỉ yêu cầu thợ kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ có tính phí (xe chị Linh đã hết hạn bảo hành của Honda). Thế nhưng, hóa đơn lại kê ra một loạt các phụ tùng được thay mới, chủ yếu nằm trong động cơ như xích cam, bộ lá côn… Tôi là người không am hiểu nhiều về xe máy nên không dám nói rằng họ đã thay những gì. Nhưng tại sao họ thay mà không thông báo trước với khách hàng?”.
Nỗi lo của khách hàng khi đến các trung tâm bảo dưỡng lớn là phải trả những khoản tiền "oan"
Chị Linh chỉ là một trong số nhiều trường hợp vì quá tin vào cái mác “chính hãng” của các đại lý và trung tâm lớn mà phải lãng phí một số tiền không đáng. Theo một số người làm nghề sửa xe Hà Nội, những đại lý, trung tâm hay cửa hàng lớn bây giờ thường có xu hướng thay nhiều hơn sửa. Một phần là do các nhân viên “ngại” sửa đồ cũ vì sợ mất thời gian trong khi còn nhiều khách đang ngồi chờ. Tuy nhiên, lý do lớn nhất là vì bán linh kiện mới bao giờ cũng lãi hơn sửa chữa.
Về vấn đề này, một đại diện của trung tâm bảo hành sửa chữa cho biết: "Đúng là tiêu chuẩn của các đại lý chính hãng bao giờ cũng cao hơn cửa hàng nhỏ lẻ nên ít khi khôi phục lại phụ tùng cũ. Lý do ở đây là đảm bảo an toàn cho khách hàng và chiếc xe. Ví dụ, khi má phanh hoặc côn ba búa mòn thì phải thay nhưng cửa hàng nhỏ thường khôi phục bằng cách dán lại các miếng bố để sử dụng tốt. Nếu làm như thế, khách hàng sẽ phải trả ít tiền hơn. Song, trên thực tế, khách hàng lại đang đối mặt với những nguy hiểm tiềm ẩn do má phanh hay côn dán lại thường không đảm bảo an toàn, dễ bị trượt hoặc dính".
Để tránh bị “hớ” khi đi bảo dưỡng xe, khách hàng cần sáng suốt cân nhắc giữa việc thay mới hay sửa chữa các bộ phận tùy vào mức độ hư hỏng. Có rất nhiều trục trặc kỹ thuật chỉ cần tốn một ít tiền sửa chữa nhưng khách hàng lại phải trả chi phí gấp hàng chục lần. Quan trọng hơn, nhân viên sửa xe phải có trách nhiệm thông báo chi phí cho khách hàng trước khi tiến hành sửa chữa hoặc thay mới.
Cửa hàng nhỏ - dễ bị “luộc” đồ
Khi đã mất niềm tin ở các trung tâm lớn, khách hàng sẽ tìm đến các cơ sở sửa chữa nhỏ lẻ, vừa tiện lại vừa rẻ. Tuy nhiên, giá rẻ cũng có năm bảy đường khác nhau. Hiện nay, tại các thành phố lớn, cửa hàng sửa chữa xe máy đang mọc lên nhan nhản, kèm theo những dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng với giá cực kỳ hấp dẫn. Ví dụ, xe số xe số bảo dưỡng toàn bộ chỉ 60.000 đồng, xe ga bảo dưỡng toàn bộ chỉ 80.000 đồng lại còn tặng dầu nhớt miễn phí. Thế nhưng, không phải ai mang xe đến các cửa hàng nhỏ bảo dưỡng đều chỉ phải bỏ ra số tiền đúng với giá quảng cáo.
Theo lời ông Minh, một thợ sửa xe lâu năm trong nghề, "mánh" làm ăn của các tay thợ “chộp giật” là lợi dụng sơ hở của khách hàng. Nếu khách hàng thiếu hiểu biết sẽ rất dễ dàng bị họ qua mặt bằng cách tráo phụ tùng chính hãng bằng đồ liên doanh hoặc Trung Quốc. Thậm chí, xe bạn có thể bị “luộc” đồ nếu không cảnh giác.
"Mánh" làm ăn của các cửa hàng sửa chữa nhỏ là tráo phụ tùng chính hãng bằng đồ liên doanh hoặc Trung Quốc
Các xe có giá trị lớn như SH hay Vespa càng có nguy cơ bị “luộc cao. Đối với dòng xe Nhật, những phụ tùng thường bị “luộc” là xi-lanh, giảm xóc, nhông xích, sên đĩa, bộ lọc gió, IC và bình điện, máy đề, bình xăng con… Sau khi bị thay đồ, chiếc xế “nổ” của bạn thường “mắc” những căn bệnh giống xe Trung Quốc, bao gồm nghẹt xăng, tăng tốc khó khăn, tốc độ không ổn định, chết máy…
Nếu nhiều kết cấu máy móc và phụ tùng bên ngoài xe bị tráo bằng những chi tiết kém chất lượng, người lái có thể gặp nguy hiểm do những hỏng hóc bất ngờ như gãy giảm xóc, vỡ vòng bi, đứt xích tải… gây ra. Khi đó, khách hàng cũng chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay vì phụ tùng thì đã thay, tiền đã đưa mà xe cũng không hư hỏng ngay. Thậm chí, có khách hàng phải mất vài tháng sau mới nhận ra xe của mình đã bị thay đồ “rởm”.
Cảnh giác với lời hứa bảo hành
Khách hàng cũng nên cẩn thận với "chiêu" bảo hành của một số cửa hàng vì thực chất đó chỉ là quảng cáo câu khách. Nếu có bảo hành, họ cũng chỉ sửa chữa để xe có thể tiếp tục chạy được cho đến lúc… hết hạn bảo hành thì hỏng chứ không bao giờ thay linh kiện mới như ban đầu.
Hầu hết khách hàng khi đã bước vào cửa hàng sửa chữa thì không mắc lỗi nọ cũng gặp trục trặc kia. Đương nhiên, số tiền phải chi sẽ lớn hơn nhiều số tiền trên tấm biển quảng cáo. Nếu không thì chất lượng bảo dưỡng cũng không tương xứng với số tiền họ phải bỏ ra. Vì thế, các bạn đừng nên ham rẻ mà hãy đặt chất lượng và sự tin cậy lên hàng đầu bởi nó liên quan đến sự an toàn của chính bản thân bạn cũng như những người xung quanh.
Ưu, nhược điểm khi mang xe bảo hành, sửa chữa tại các trung tâm lớn và cửa hàng nhỏ (theo ông Lê Thanh Tùng - đại diện Yamaha Town Hà Nội):
Các cửa hàng chính:
- Trang thiết bị hiện đại, cơ sở hạ tầng phục vụ công việc và khách hàng khá hoàn chỉnh.
- Nhân viên ở đây đều được đào tạo về kỹ năng tay nghề, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng khác.
- Các cửa hàng chính hãng đều có quy trình làm việc rõ ràng, giảm thiểu khả năng sai sót và thuận lợi cho khách hàng trong việc kiểm tra cũng như khiếu nại khi cần.
- Nhân viên tại đây được đào tạo nâng cao tay nghề hàng năm, được cập nhật thông tin về kỹ thuật và công nghệ mới. Các công việc sửa chữa, bảo dưỡng đều theo quy trình chính hãng quy định nên đảm bảo chiếc xe của khách hàng được chăm sóc tốt nhất.
Các cửa hàng nhỏ lẻ:
- Số lượng các cửa hàng chính hãng còn thiếu, khoảng cách từ nhà khách hàng đến cửa hàng khá xa.
- Tâm lý một số khách hàng còn e ngại giá cả khi vào cửa hàng chính vì thấy quy mô cửa hàng khá lớn.
- Khách hàng đã quen sửa chữa, bảo dưỡng ở các cửa hàng nhỏ nên không muốn thay đổi.
- Công tác quảng cáo, thu hút khách hàng tới các cửa hàng chính hãng còn nhiều hạn chế.
Lời khuyên dành cho các khách hàng:
- Nếu có ý định sửa chữa ở trung tâm lớn thì nên đi hỏi giá sửa chữa, phụ tùng thay thế trước khi xe được "mổ", cất giữ và ghi lại chi tiết thời gian sửa chữa, thay thế phụ tùng cho xe để đem đối chiếu những lần sau. Thông thường đối với xe mới mua, nhà sản xuất thường có chế độ bảo hành 1 – 2 năm. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng vì là xe mới nên trong thời gian đó hầu như rất ít trục trặc, nếu có thì cũng không đáng kể. Vì thế, công việc của các nhân viên khi bảo dưỡng định kỳ thường chỉ là tra dầu vào ốc vít và thay nhớt mới. Những hỏng hóc thực sự sẽ xuất hiện ở thời gian sau đó.
- Những tay thợ có lương tâm khuyên rằng: khách hàng hãy tìm những cửa hàng không nhất thiết phải lớn, tốt nhất là người chủ từng là thợ sửa xe giỏi rồi đứng ra trực tiếp quản lý. Nếu có mối quan hệ quen biết từ trước là tốt nhất vì có thể tin tưởng được.
- Bạn cũng nên trang bị một số kiến thức tối thiểu về xe máy để có thể dự đoán được một số hỏng hóc thường gặp và biết cách xử lý, tránh gặp phải tình trạng tiền mất tật mang.
- Không nên đưa xe đi sửa chữa hay bảo dưỡng vào những ngày mưa gió và ngay sau các đợt lụt lội hoặc thời điểm cận tết. Vì khi đó nhiều người cũng có nhu cầu sửa chữa khiến các cửa hàng dù uy tín thì cũng không đủ khả năng đáp ứng, dẫn đến chất lượng phục vụ không tốt như bình thường.
- Hiện nay, hầu hết các hãng xe máy như Honda, Yamaha đều cập nhật bảng báo giá phụ tùng chính hãng trên website của mình. Nếu có điều kiện, bạn nên tham khảo trước khi quyết định có nên thay mới phụ tùng hay không và tránh việc tự biến mình thành "mồi ngon" cho các tay thợ xe bất lương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét